Vì sao VN-Index tăng nhanh nhưng thanh khoản cả phiên vẫn thấp?
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán cho thấy: Thị trường chứng khoán hiện nay đang có sự giằng co, chưa có xu hướng nào rõ nét. Mỗi một nhịp điều chỉnh sâu của thị trường, các nhà đầu tư đều có thể thấy lực cầu lại xuất hiện. Điều này khiến cho các chỉ số VN-Index tăng nhanh, nhưng thanh khoản cả phiên vẫn giữ ở mức thấp. Thị trường chứng khoán không thiếu những sắc xanh. Nhưng nếu VN-Index nỗ lực bứt phá, chắc chắn lực bán thoát hàng sẽ lại trỗi lên. Điều này thể hiện rõ nét tương quan cung cầu chưa có bên nào thực sự bứt phá.
Thanh khoản cả phiên thị trường tiếp tục giữ ở mức thấp
VN-Index tăng nhanh trong phiên chiều 15/7 nhưng không hút được dòng tiền trở lại, thanh khoản cả phiên chỉ đạt hơn 15.000 tỷ đồng.
VN-Index tăng hai chữ số
Đồ thị của thị trường chứng khoán phiên hôm nay chia thành hai nửa riêng biệt. VN-Index bắt đầu phiên sáng với trạng thái giằng co, chịu tác động từ nhịp giảm mạnh ngày hôm qua (14/7). Chỉ số của sàn HoSE giảm hơn 10 điểm sau ATO, đảo chiều liên tục gần tham chiếu cho tới giờ nghỉ trưa. Dòng tiền vào yếu khi cả bên cầm tiền và bên cầm cổ phiếu giữ nhịp thận trọng.
Sang phiên chiều, xu hướng có phần khởi sắc hơn. Thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tăng trưởng tín dụng đợt hai giúp cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá. Sắc xanh lan tỏa sang nhóm mid-cap, đẩy VN-Index tăng hai chữ số. Đà tăng chỉ chững lại vào trước phiên ATC, khi áp lực bán tăng nhanh ra ở vùng giá cao.
Chốt phiên, VN-Index tăng hơn 14 điểm (1,09%) lên gần 1.294 điểm. VN30-Index tăng gần 20 điểm (1,42%) lên 1.430 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 3% nhờ cổ phiếu ngân hàng, trong khi UPCOM-Index có thêm 0,5%.
Thanh khoản thị trường chỉ hơn 15.000 tỷ
Tuy nhiên, tương tự những phiên gần đây, thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức thấp. Sàn HoSE hôm nay giao dịch chỉ hơn 15.000 tỷ, trong đó hơn 9.400 tỷ đồng thuộc về 30 mã bluechip.
Trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã tăng 58% so với cả năm 2020. Tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường đạt 176.745 tỉ đồng; tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, thanh khoản trên thị trường sụt giảm mạnh, có phiên giao dịch chỉ trên dưới 15.000 tỉ đồng.
Trong vài tuần qua, hầu hết nhà đầu tư F0 đã mua cổ phiếu ở đỉnh 1.400 điểm của VN-Index đều gặp “sóng gió”. Vì thị trường giảm sâu sau đó.
Ngân hàng mã tăng chiếm áp đảo thị trường
Đến cuối phiên, sắc xanh áp đảo với 287 mã tăng trên HoSE, so với 82 mã giảm. Trong nhóm VN30, 20/30 mã bluechip tăng giá.
SBT là mã tăng tốt nhất nhóm VN30 khi chốt phiên ở mức giá trần. Nhưng ngân hàng mới là nhóm có số lượng mã tăng chiếm áp đảo. Theo VNDirect, cổ phiếu ngân hàng chiếm 7/10 mã đóng góp tích cực nhất tới VN-Index. Trong đó, STB chốt phiên tăng 5,1%. VPB có thêm hơn 4% sau thông tin chia cổ tức. CTG tăng 3,9%, TCB, TPB vượt hơn 2% so với tham chiếu.
Ngoài nhóm này, chứng khoán và thép cũng trở lại. Trong VN30, SSI tăng 5,3% còn HPG có thêm 3,3%. Ngược lại, VJC là mã giảm mạnh nhất, mất 1,9%, KDH giảm hơn 1%, VIC, MSN, VRE, PNJ, GAS lùi dưới tham chiếu.